Thường vào mùa nồm, không khí ẩm ướt thường khiến cho quần áo khó khô, có mùi khó chịu. Bạn nên bảo quản quần áo thật cẩn thận vì sẽ rất dễ bị mốc, ảnh hưởng vẻ đẹp và chất lượng của vải.
Quần áo thường hay bị ẩm mốc nếu chúng ta phơi không đúng cách. Nhưng vẫn có một số trường hợp quần áo cũng bị mốc mặc dù đã phơi khô và giữ trong tủ một thời gian. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lại xuất hiện điều đó chưa? Cùng tìm hiểu một số lý do chính và những mẹo bảo quản quần áo không bị mốc dễ thực hiện ngay tại nhà sau đây cùng Palvin.
1. Vì sao quần áo lại có hiện tượng mốc?
1.1 Phơi quần áo nơi ẩm ướt
Đây là lý do đầu tiên và cũng là lý do phổ biến nhất khiến quần áo bị mốc. Lựa chọn nơi phơi quần áo là điều bạn nên lưu ý. Đặc biệt là với những ngày thời tiết ẩm ướt, có mưa. Ngoài ra còn phải tránh phơi quần áo ở những vị trí ẩm như ở khu vực cạnh đường cống thoát nước hay phơi quần áo trong nhà vệ sinh kín. Trong quá trình phơi quần áo không thể khô hoàn toàn được, dẫn đến một số vi khuẩn có thể sinh sôi và tạo ra những vết mốc đen.
1.2 Lười giặt quần áo
Quần áo của chúng ta sau một ngày dài mặc trên người thấm mồ hôi và bụi bẩn. Đó là môi trường thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi. Nên việc bạn lười giặt và dồn quần áo lại thì sau một thời gian chúng sẽ bốc mùi khó chịu. Quần áo cũng dễ xuất hiện các vết mốc. Không chỉ làm hư hỏng quần áo mà còn dễ tạo vi khuẩn trong không khí, gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, các vết bẩn trên áo quần càng để lâu càng khó giặt sạch hơn.
1.3 Không vệ sinh máy giặt thường xuyên
Thực tế hiện nay máy giặt là một thiết bị không thể thiếu được sử dụng hằng ngày. Nhưng ít có mấy ai quan tâm tới việc vệ sinh máy giặt cả. Nếu cứ nghĩ rằng máy giặt là thiết bị làm sạch nên không thể bẩn được thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Việc không vệ sinh định kỳ, vi khuẩn trong máy giặt sẽ gia tăng nhanh chóng và dễ làm quần áo xuất hiện vết mốc.
2. Cách bảo quản quần áo không bị mốc
2.1 Lưu ý khi giặt
Thời điểm giặt quần áo tốt nhất là vào sáng sớm để quần áo có thời gian khô trong ngày. Vào buổi sáng trời cũng ít mưa hơn nên quần áo sẽ nhanh khô và không bị ẩm ướt.
Không giặt quá khối lượng cho phép của máy giặt và nếu giặt tay nên chia đều ra để giặt từ từ, nên dùng nước xả vải một lần xả để quần áo của bạn được thơm tho và sạch xà phòng ngay trong lần xả nước đầu tiên.
Dù giặt tay hay giặt máy, thì quần áo cần phải ngâm nước xả trong vòng 10 -15 phút để cho mùi hương thấm sâu vào trong từng sợi vải, giúp cho quần áo của bạn và gia đình thơm lâu hơn, tránh được những mùi ẩm mốc, khó chịu.
2.2 Chú ý khi phơi
Khi thời tiết có nắng gió hãy tranh thủ mang quần áo ra phơi, quần áo sẽ nhanh khô và thơm, nhớ trải rộng bề mặt quần áo cần phơi để khô nhanh hơn.
Khi phơi nên treo quần áo vào móc phơi hoặc mắc để quần áo nhanh khô và phẳng phiu. Không nên phơi đêm vì ban đêm độ ẩm tăng, kể cả phơi ở nơi có mái che thì quần áo cũng vẫn có mùi khó chịu, dễ gây các bệnh về da: nấm, hắc lào,…
2.3 Giặt máy giặt nên vệ sinh lồng giặt
Hiện nay trên thị trường có bán khá nhiều sản phẩm giúp vệ sinh lồng giặt. Những tác dụng thật sự thì mắt thường khó thấy được, vì muốn vệ sinh lồng giặt sạch bạn phải tháo lồng ra để làm sạch từ bên trong. Bạn nên thuê đơn vị về vệ sinh lồng giặt để đảm bảo được lồng giặt đã được vệ sinh sạch sẽ. Đây cũng là một cách bảo quản quần áo không bị mốc khá đơn giản.
2.4 Sử dụng hạt hút ẩm
Sử dụng hạt hút ẩm cũng là một trong những cách bảo quản quần áo không bị mốc dễ thực hiện. Các hạt hút ẩm đúng như tên sẽ hút hết lượng hơi nước có trong không khí, giúp không khí thông thoáng hơn. Các vi khuẩn cũng sẽ không có được môi trường thuận lợi để phát triển.