Thế khó của doanh nghiệp dệt may, xơ sợi Việt Nam trong căng thẳng tiền tệ - Palvin

Thế khó của doanh nghiệp dệt may, xơ sợi Việt Nam trong căng thẳng tiền tệ

Mất đơn hàng do căng thẳng tiền tệ

Sở hữu doanh nghiệp với 15.000 lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên (UPCoM: HUG), kể thông thường vào tháng 8 các năm, hàng hoá đã được ký đến hết tháng 10, công ty chuẩn bị vốn cho năm sau. Nhưng hiện nay, hàng tháng 10 thậm chí còn chưa đủ.

Là chủ doanh nghiệp song cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Dương cho biết, đây là tình trạng chung của ngành và rất đáng lo ngại. Hầu hết doanh nghiệp đều thiếu hàng và phải chấp nhận hạ giá để giữ đơn hàng.

Bên cạnh các yếu tố về thuế, mức lương lao động, thời gian qua, tỷ giá của các đồng tiền xung quanh cuộc căng thẳng thương mại cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả hàng hóa ngành dệt may. Trong khi các đối thủ của Việt Nam như Bangladesh, Ấn Độ đều hạ giá đồng tiền, đồng Việt Nam vẫn cơ bản vẫn ổn định, giá giảm không đáng kể. Khi tiền Việt Nam không hạ giá so với USD, hàng Việt Nam sẽ đắt hơn và dẫn tới mất các đơn hàng. Trong một tháng qua, các đồng tiền khác trong khu vực như won của Hàn Quốc, NDT của Trung Quốc cũng đều giảm giá.

Bà Vũ Phương Diệp, Phó Tổng giám đốc CTCP Damsan (HoSE: ADS) – doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi cung cấp 1.400 tấn sợi cho Trung Quốc mỗi tháng – cho biết trước đây, giá sợi 2,8 USD/kg, nay còn 2,4 USD/kg. “Giá giảm mạnh không bù được chi phí sản xuất do đối tác Trung Quốc ép giá để bớt thiệt hại từ biến động tỷ giá giữa NDT và USD. Thậm chí, không có đơn hàng nào trong tháng 9”, bà chia sẻ trên VTV. Vị này chia sẻ thêm đang rất mơ hồ khi không rõ phía Trung Quốc và Mỹ  sẽ có những động thái gia tăng căng thẳng gì tiếp theo. “Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc không thể đảm bảo được nữa”, bà Diệp nói.

Thực tế, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chững lại. Hàng hoá sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ trong khi đó, những năm trước, tăng trưởng thường ở mức 2 con số. Xuất khẩu sang EU giảm, sang Mỹ nhìn chung vẫn tăng trưởng nhưng Bộ Công Thương lo ngại có thể chịu biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu từ nước này. Xung đột thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Bộ dự báo Việt Nam không thuận lợi để gia tăng xuất khẩu trong những tháng còn lại trước tình hình kinh tế, thương mại thế giới suy giảm hiện nay.

0